Những chú ý cần biết khi sử dụng máy giặt
Máy giặt là một thiết bị gia dụng trợ giúp rất nhiều trong công việc nội trợ. Hiện nay hầu hết các máy giặt đều có chức năng điều khiển tự động, tuy nhiên để sử dụng máy giặt một cách có hiệu quả và giúp bảo quản tốt máy giặt thì bạn cũng cần phải lưu ý sử dụng máy giặt theo đúng cách. Sau đây là những điều cần biết khi sử dụng máy giặt:
Luôn đọc sách hướng dẫn trước khi sử dụng
Mỗi máy giặt sẽ có cấu tạo và các thức vận hành khác nhau, do đó việc đầu tiên bạn cần làm là phải đọc kỹ sách hướng dẫn trước khi sử dụng.
Sách hướng dẫn luôn được kèm theo máy, nếu bị mất bạn có thể liên hệ với nơi bán hoặc truy cập vào trang web của nhà sản xuất để đọc hoặc tải tài liệu hướng dẫn sử dụng.
Không giặt quá khối lượng cho phép của máy giặt
Trên mỗi máy giặt đều có in khối lượng (Kg) tối đa của quần áo cho phép trong mổi lần giặt. Nếu giặt quá khối lượng cho phép này thì không chỉ giặt không sạch mà còn làm giảm tuổi thọ của máy.
Nếu bạn không biết chắc thì có thể tạm tính khối lượng trung bình quần áo của người lớn như sau: áo sơ mi, áo thun thông thường nặng khoảng 0,2kg; quần tây nặng khoảng 0,4kg và quần Jean nặng khoảng 0,6kg,…
Ngoài ra bạn cũng có thể ước lượng theo kinh nghiệm của mình trong quá trình giặt để có thể đạt được hiệu quả cao.
Sử dụng đúng loại xà bông và đúng liều lượng
Trên bao bì của những loại xà bông dùng cho máy giặt sẽ ghi rõ dùng cho loại máy giặt nào. Việc sử dụng xà bông đúng với các loại máy giặt sẽ giúp đạt được hiệu quả cao.
Ngoài ra cũng có in hướng dẫn sử dụng đúng liều lượng khi giặt. Nếu cho ít thì sẽ không giặt sạch được quần áo, ngược lại nếu cho quá nhiều thì xà bông có thể sẽ không được xả sạch hết.
Kiểm tra các vật dụng trong túi quần áo trước khi giặt
Trước khi cho quần áo vào máy giặt bạn hãy kiểm tra để đảm bảo là không bỏ quên các đồ vật bằng kim loại trong đồ giặt (như kẹp tóc, gim cài, tiền xu…) vì chúng sẽ gây ra tiếng kêu lạ, làm kẹt máy hoặc làm rách quần áo.
Khi giặt rèm cửa cần tháo các móc hoặc buộc chúng lại trong túi hoặc lưới. Cột chặt các sợi dây dài và kéo các móc khóa trên quần áo lại vì chúng khi mở tung ra có thể gây hư hại cho đồ giặt hoặc thùng giặt.
Ngoài ra các vật dụng cũng có thể sẽ làm tắc nghẽn đường ống xả nước.
Cẩn thận trong khi sử dụng máy giặt
Khi máy đang hoạt động, không cho tay vào thùng giặt hoặc thò tay vào đáy máy, các bộ phận khi quay có thể gây thương tích cho bạn.
Không để trẻ em chơi đùa bên trên hay trong máy giặt, không cho trẻ nghịch máy khi máy đang hoạt động.
Không làm văng nước hay đổ nước lên bảng điều khiển gây chạm mạch, hư hỏng làm sai lệch chức năng. Không nên dùng xô hay vòi riêng cấp nước cho máy.
Một số gia đình có thói quen giặt trước bằng tay rồi mới cho vào máy để giặt hoặc vắt, khi đó cần chú ý tránh nước rớt từ quần áo vào mạch điều khiển và nên dàn đều đồ giặt trong máy, tránh để lệch về một góc.
Sử dụng chế độ giặt tự động
Hiện nay hầu hết các máy giặt đều có chế độ tự động hay thường gọi là chế độ giặt thông minh, bạn nên sử dụng chế độ này vì nó đã được lập trình để giặt tốt đối với các trường hợp thông thường.
Trong chế độ giặt tự động, máy giặt sẽ tự kiểm tra để biết trọng lượng của quần áo và cho một lượng nước thích hợp vào máy sau đó áp dụng các chương trình giặt thích hợp đã được lập trình sẵn.
Lưu ý các loại chất liệu vải của quần áo khi giặt
Tùy theo loại quần áo mà chọn chế độ giặt thích hợp. Các loại vải cao cấp như tơ lụa nên chọn chế độ giặt nhẹ; quần áo bình thường chọn chế độ vừa, chỉ có quần áo dày như Jean, kaki… mới dùng chế độ giặt mạnh. Muốn tiết kiệm điện, nước rút ngắn thời gian giặt và quần áo được giặt sạch, sau lần giặt đầu tiên nên lấy ra vắt cho hết nước bẩn đi rồi hãy giặt tiếp (vì ở các chế độ xả máy không tự vắt được, điều này làm các chất bẩn khó thoát ra hết bên ngoài).
Thông thường quần áo dạng sợi tổng hợp hay hàng tơ, lông nên giặt khoảng 2-4 phút; quần áo bình thường giặt 6-8 phút; nếu quần áo quá bẩn thì giặt từ 10-12 phút. Sau đó chuyển sang chế độ xả. Rút ngắn thời gian sử dụng hợp lý ngoài việc tiết kiệm điện, nước còn kéo dài tuổi thọ của cả quần áo và máy.
Các loại quần áo như len, thun mỏng dễ giãn, dạ… không nên giặt bằng máy vì các loại này không chịu được ma sát, giằng kéo. Tương tự như vậy các loại vải cao cấp cũng không nên giặt bằng máy, có thể làm quần áo bị sờn, bạc do ma sát mạnh.
Nếu quần áo quá bẩn nên ngâm nước khoảng 20 phút bên ngoài, chà sạch các cổ áo sau đó cho vào máy. Tỷ lệ trọng lượng của nước và quần áo là 20:1 là ở chế độ tiết kiệm. Nên dùng bột giặt ít bọt nhưng có năng lực tẩy rửa cao khi giặt bằng máy. Điều này làm cho khi xả được mau sạch và có thể tiết kiệm được 1-2 lần nước.
Quần áo dính nhiều xăng, dầu không được cho vào máy giặt. Quần áo đã dùng xăng để tẩy cũng không được giặt bằng máy, vì rất có thể gây ra cháy, hư máy hay làm hỏng các quần áo khác.
Khi giặt các loại quần áo có đính kim tuyến, đồ lót, nylon và sợi tổng hợp mỏng, nên sử dụng lưới giặt nylon để bảo vệ, lưới này có bán trên thị trường. Với đồ giặt bằng len, hoặc có xơ vải, cần lộn mặt trái ra ngoài.
Sử dụng máy giặt đúng cách
Với các máy giặt cửa trên thông thường, không sử dụng nước nóng trên 50oC vì nước nóng có thể làm thay đổi hình dạng các bộ phận bằng nhựa trong máy.
Nếu phải giặt bằng nước ấm, nhiệt độ thích hợp nhất dùng cho máy giặt là 40 độ C. Ở nhiệt độ này, bột giặt sẽ ngấm tốt vào quần áo và lôi kéo chất bẩn ra ngoài. Nếu nước nóng quá, sẽ làm quần áo bị biến hình, nhăn nhúm, mất tính đàn hồi.
Thời gian sử dụng máy giặt không nên kéo dài, tránh giặt liên tục hết mẻ này đến mẻ khác.
Nếu thấy máy nóng hoặc phát ra tiếng động lạ phải lập tức dừng ngay việc giặt lại để kiểm tra.
Một số máy giặt có thể tự khởi động lại và tiếp tục giặt sau khi bị cúp điện, trong trường hợp này bạn không cần phải tắt và mở máy lại.
Hệ thống đèn báo trên máy giặt sẽ cho biết máy đang ở chế độ nào và thời gian còn lại là bao lâu, bạn có thể tranh thủ đi làm việc khác. Sau khi máy giặt xong sẽ có tín hiệu nhạc báo cho bạn biết.